Gánh nặng tăng giá
Mỗi buổi sáng,ỗilogiátăngthunhậpgiảcho tot anh Bùi Hoàng Ân, 43 tuổi, nhân viên giao nhận ngụ tại H.Hóc Môn (TP.HCM) lại đi giao thức ăn cho khách đặt qua mạng. Anh Ân than thở: “Giá xăng tăng vùn vụt, người chịu thiệt thòi nhất chính là những người làm công việc giao nhận, thường xuyên phải đi lại như chúng tôi. Chủ shop thì áp giá theo đơn cố định, đơn hàng thì tối đa cũng chạy được 10 - 11 cuốc là hết khả năng, hết thời gian. Vì vậy thu nhập không thể nào tăng lên được. Vợ tôi làm công nhân, tăng ca cả ngày, tôi cũng là người đi chợ nấu cơm. Xăng tăng, kéo theo cái gì cũng tăng giá, tiền mình làm chỉ bấy nhiêu nên bữa ăn càng phải tiết kiệm”.
Người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu trong lúc vật giá leo thang |
Ngọc Thắng |
Chị Đoàn Thị Thủy, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Mấy ngày nay đi chợ thật khó khăn, cái gì người ta cũng nói cước vận chuyển tăng nên tăng giá. Trước đây tôi ăn sáng tô bún bò 40.000 đồng nay tăng lên 50.000 đồng, bánh ướt 15.000 đồng tăng lên 20.000 đồng, hủ tiếu 35.000 đồng tăng lên 40.000 đồng. Nhà tôi nhiều trẻ nhỏ nên thường xuyên mua sữa, loại thường mua cho con 38.000 đồng/950 ml nay cũng lên 42.000 đồng. Mới đây tôi đi chợ Võ Duy Ninh gần nhà, trước đây mua 5.000 đồng lá lốt người ta bán, giờ 10.000 đồng họ mới chịu bán, mà số lượng ít hơn hẳn”.
Sáng qua 23.3, chị Phạm Phương, chủ tiệm bán bún ở P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã gửi tin nhắn thông báo một cách khá áy náy dành cho khách hàng của mình khi bắt buộc phải tăng giá bán. Chị Phương nói: “Giá một tô bún riêu hôm trước tôi bán 35.000 đồng, hôm nay tôi buộc phải tăng thêm 5.000 đồng/tô vì mọi thứ nguyên liệu đều tăng. Khi tăng giá bán thì khách mua sẽ cân nhắc lựa chọn nhiều hơn, nhưng tình hình chung như thế mình phải theo”.
Đứng tần ngần trước cửa hàng bán thịt, chị Hồng Uyên, ngụ tại Q.8, TP.HCM xem bảng giá niêm yết trước cửa hàng rồi thở dài quay đi. Chị Hồng Uyên bộc bạch: “Thịt heo ở dưới quê tôi bán giá rẻ bao nhiêu thì lên đến TP.HCM đắt gấp 3 - 4 lần. Giá heo mảnh, đã xẻ thịt tầm khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, ra tới cửa hàng thì đội lên nhiều”. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các chợ và siêu thị ở TP.HCM, giá bán lẻ các loại thịt heo phổ biến như ba rọi, sườn non đều có giá trên 200.000 đồng/kg. Một số siêu thị phải giảm trọng lượng khay thịt để người dân đỡ “ngán” khi thấy giá quá cao. Giá trứng gia cầm bán lẻ tại một số chợ ở TP.HCM cũng tăng khá cao, trứng vịt 3.000 - 3.200 đồng/quả, trứng gà 2.200 - 2.300 đồng/quả. Một số công ty chăn nuôi nhận định: “Giá thịt heo hơi tại trại ngày 23.3 đang nhích dần lên. Đây là tình hình chung do giá xăng dầu, giá thức ăn chăn nuôi đều tăng cao. Mặc dù sức mua trên thị trường vẫn chưa được cải thiện nhưng nếu không tăng giá thì người chăn nuôi, thương lái sẽ lỗ nặng”.
Tiết giảm chi phí
Ông Mai Hữu Thế, nhân viên bảo vệ tại Q.1, TP.HCM, bộc bạch: “Nói thật chứ lương bảo vệ có được bao nhiêu, mỗi ngày bước chân ra đường tôi tốn biết bao nhiêu là chi phí. Tôi thường xuyên phải xếp hàng để nhận cơm từ thiện của các nhà hảo tâm đóng góp, mặc dù không đáng bao nhiêu nhưng cũng tiết kiệm được trong lúc khó khăn này”. Ghi nhận của chúng tôi ngày 22.3, khá đông người làm nghề lái xe công nghệ, công nhân công trường và có cả nhân viên văn phòng xếp hàng để chờ nhận cơm miễn phí. Anh Việt, một tài xế công nghệ ngụ tại Q.7 (TP.HCM), kể: “Mỗi ngày tôi cày từ sáng đến tối cao lắm chỉ dư được vài trăm ngàn đồng, tiền chợ gần đây món nào cũng tăng, xăng tăng, nên tôi phải tiết kiệm chi tiêu bằng cách tìm các địa điểm phát cơm từ thiện để ăn, đi chợ thì tìm những món rẻ tiền. Sữa cho con cũng giảm lại, trước đây 1 tuần 1 hộp thì bây giờ 10 ngày mới mua 1 hộp”.
Chị Nguyễn Thị Phương Quyên, ngụ tại Q.12 (TP.HCM), than thở: “Hàng hóa tiêu dùng thứ gì cũng tăng mà thu nhập lại không tăng. Người tiêu dùng chỉ còn biết thắt lưng buộc bụng, ăn ít lại, tiết giảm chi phí để qua giai đoạn khó khăn này”. Còn chị Nguyễn Thị Ngoan, ngụ tại P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: “Giá thực phẩm ngoài chợ và các siêu thị đều đang tăng lên. Nhà tôi có 3 người, chi phí ăn uống, đồ dùng thiết yếu trong gia đình mỗi tháng cũng xấp xỉ 7 - 8 triệu đồng, nay tăng lên thêm 1 triệu đồng/tháng do vật giá tăng. Tôi tìm cách mua trong nhóm cộng đồng cư dân, nhiều người lấy hàng tận ở quê, bán cho nhóm nên chi phí rẻ hơn. Đó là cách tôi tiết kiệm để chi tiêu hợp lý hơn”.
Việc người tiêu dùng giảm chi tiêu cũng phù hợp với tình cảnh vắng vẻ tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM. Ghi nhận tại chợ Bình Thới (Q.11) ngày 23.3, không khí mua sắm tại đây hết sức vắng vẻ so với thời gian trước. Một số tiểu thương ở chợ cho biết: “Dịch bệnh kéo dài đã khiến thu nhập của người dân giảm đi, họ đến chợ mua sắm cũng giảm lại. Giá cả thật ra chỉ mới tăng gần đây do giá xăng, chi phí vận chuyển tăng. Giá rau củ nhiều loại vẫn ổn định. Tuy nhiên, sức mua rất thấp do người dân tiết kiệm chi phí hơn trước”.